Chiếc lược và sự thay đổi của thời đại (1)

“Cái răng cái tóc là góc con người” là câu tục ngữ xưa nói về vẻ đẹp. Người xưa đề cao việc chăm sóc răng và tóc đến mức chỉ nhìn vào đấy là có thể đánh giá được nhan sắc, thậm chí cả tính cách nữa.

Người Việt cho đến những năm đầu thế kỉ trước vẫn có thói quen để tóc dài cả đàn ông và đàn bà. Ngoài những khăn vấn, khăn xếp, trâm cài, khăn buộc còn có một vật dụng không thể thiếu với cả đàn ông và đàn bà. Đó là chiếc lược dùng để chải tóc hàng ngày.
Từ khi đàn ông Việt cắt tóc ngắn, chiếc lược đã không thể dùng chung với đàn bà như trước nữa. Đàn ông khi đã cắt tóc ngắn như Tây theo phong trào “cắt tóc ngắn để răng trắng” cụ Phan Châu Trinh đề xuất vào đầu thế kỷ trước đã không còn cần đến chiếc lược bán nguyệt to khỏe răng dài đến thế nữa. Lược của họ chỉ đơn giản mỏng mảnh nhỏ như ngón tay là đủ.

 

Lược gỗ thời xưa

Kiểu tóc nam chải ngôi lúc ấy của đàn ông cũng chỉ dành cho dân trí thức công sở. Người lao động cơ bắp chọn kiểu đầu cua chẳng cần đến lược.
Đàn bà cho đến tận những thập kỷ 80, 90 vẫn phổ biến dùng hai loại lược. Lược thưa và lược bí. Lược thưa chải mái tóc dài vào nếp. Búi tóc hay để sõng hoặc cặp, buộc, tết đuôi sam thì cũng đều phải qua công đoạn chải tỉ mỉ không thể vội vàng.

 

Chiếc lược bí

Công đoạn này mà làm vội thì cuối cùng sẽ vê được một nhúm tóc rụng trên răng lược. Trẻ con lại có thứ để mang đổi kẹo kéo. Lược bí dùng để đánh bắt thủ công loài chấy đã có từ nghìn xưa. Những nước gội lá sả, hương nhu, vỏ bưởi, bồ kết ngày trước cũng chỉ mang tính mộc mạc đồng quê nhung nhớ mà chẳng thể tiêu diệt hết được chấy kềnh chấy con đã ngự trị trên đầu từ thời tiền sử.

Chiếc lược bí sẽ truy lùng tận diệt kể cả chấy mới nở bởi răng lược đan sít chỉ vừa chỗ cho một sợi tóc lách mình qua. Ít chấy vừa chải vừa xiết bằng móng tay cái lên nền gạch. Nhiều hơn, chải vào chậu nước cho nổi lên là hết chạy. Kể từ khi các loại nước gội đầu thịnh hành vào quãng thập kỷ 90 thì cả chấy và lược bí đã biến mất hoàn toàn.
Những năm chiến tranh, vài anh lính tỉ mẩn nhặt xác máy bay rơi cắt thành những chiếc lược nhôm khắc hình kỷ niệm gửi về cho bạn gái ở hậu phương khá nhiều. Những dòng chữ còn hôi hổi khói bom chiến trường được khắc vụng về trên sống lược. “Kỷ niệm trận đánh ngày… trên mặt trận Quảng Trị”… Máy bay rơi là có thật.

 

Chiếc lược nhôm thời xưa

Lược đàn ông mỏng dính và ngắn có thể cho vào ví đút túi quần. Hình ảnh một đàn ông công sở vào máy nước cơ quan nhúng ướt chiếc lược chải lại đầu ngôi trở thành quen thuộc. Thanh niên đến nhà bạn gái ngồi chơi dù đã chải đầu ngôi bằng vaseline từ ở nhà vẫn thỉnh thoảng mở ví rút chiếc lược nhôm ra dặm lại vài sợi trước trán đầy kiêu hãnh.
Cuộc sống ngày một bận rộn lên. Những phong trào tóc tai thời trang du nhập vào Việt Nam như vũ bão. Nhưng thật ngạc nhiên bây giờ chiếc lược đã không còn giữ được tầm quan trọng như trước. Đã chẳng bao giờ còn nhìn thấy một đàn ông có lược trong ví nữa. Dân chơi chải đầu vuốt keo bọt từ lúc ra đường cho đến lúc về nhà không cần đến lược làm gì. Đàn ông bình thường không keo cũng chẳng chải. Rất nhiều đàn ông chỉ nhìn thấy cái lược mỗi tháng một lần. Ở trong tay ông thợ cắt tóc.

 

Ngày nay lược ít được dùng, hầu như trong túi của đàn ông hay đàn bà đều không có lược nữa

Đàn bà cũng chọn cho mình những kiểu tóc phù hợp với công việc. Không nhiều người lắm phải mang chiếc lược kè kè bên mình. Tóc nghệ sĩ hoặc nữ dân chơi cũng không phải là thứ dễ dàng tự chải. Lược dùng để chải tóc ấy thường là những thứ chuyên dụng có đến hàng chục loại chỉ thợ mới biết dùng. Nhiều người phải vào tiệm thuê chải mất hàng giờ đồng hồ mới xong mái tóc như mong muốn. Quan sát trên phố sẽ thấy chị em đông đảo phần lớn có mái tóc gần với tự nhiên nhất. Chỉ khác nhau độ ngắn dài. Lược hiếm khi dùng đến. Tất nhiên gương thì bất cứ ai cũng có một chiếc trong túi.
“Cái góc” tóc của người Việt hiện đại hình như là thứ duy nhất theo kịp với mọi trào lưu thế giới. Thế giới có tóc kiểu gì Việt Nam cũng có. Cái khác nhau có chăng là ở bên trong mái tóc ấy mà thôi.

 

Chiếc lược và sự thay đổi của thời đại

Join the Discussion

Your email address will not be published.

Shopping cart0
There are no products in the cart!
Continue shopping
0